Trợ lý Google được thiết kế
để đảm bảo thông tin của bạn được
riêng tư, an toàn và bảo mật.

Khi dùng Trợ lý Google, bạn tin tưởng giao phó dữ liệu của mình cho chúng tôi. Do đó, chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ và tôn trọng dữ liệu của bạn. Quyền riêng tư là lựa chọn của mỗi cá nhân. Vì vậy, chúng tôi tạo ra các chế độ kiểm soát quyền riêng tư đơn giản để giúp bạn chọn chế độ phù hợp với mình. Tham khảo trang này để tìm hiểu thêm về cách hoạt động của Trợ lý Google, chế độ kiểm soát tích hợp về quyền riêng tư, câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp và nhiều thông tin khác.

Video chính về Trợ lý

Bắt đầu ở chế độ chờ

Trợ lý Google được thiết kế để đợi ở chế độ chờ cho đến khi phát hiện thấy cụm từ kích hoạt, chẳng hạn như khi nghe bạn nói “Ok Google”. Khi ở chế độ chờ, Trợ lý sẽ không gửi nội dung mà bạn nói cho Google hay bất cứ ai khác.

Sau khi Trợ lý Google phát hiện thấy cụm từ kích hoạt, Trợ lý sẽ thoát khỏi chế độ chờ và gửi yêu cầu của bạn đến các máy chủ của Google. Trợ lý cũng có thể kích hoạt khi nghe thấy một âm thanh giống như cụm từ “Ok Google” hoặc nếu ai đó vô tình kích hoạt theo cách thủ công.

Tìm hiểu thêm về cách Trợ lý Google xử lý các bản ghi âm, Hoạt động trên web và ứng dụnghoạt động cá nhân hoá quảng cáo.

Trợ lý Google có ghi âm lại mọi thứ tôi nói không?

Không. Trợ lý Google được thiết kế để đợi ở chế độ chờ cho đến khi phát hiện thấy cụm từ kích hoạt, chẳng hạn như khi nghe thấy bạn nói “Ok Google.” Khi ở chế độ chờ, Trợ lý sẽ không gửi nội dung mà bạn nói cho Google hay bất cứ bên nào khác. Sau khi Trợ lý Google phát hiện thấy cụm từ kích hoạt, Trợ lý sẽ thoát khỏi chế độ chờ và gửi yêu cầu của bạn đến các máy chủ của Google. Trợ lý cũng có thể kích hoạt khi nghe thấy một âm thanh giống như cụm từ “Ok Google” hoặc nếu ai đó vô tình kích hoạt theo cách thủ công.

Làm cách nào để kích hoạt Trợ lý Google?

Tuỳ thuộc vào thiết bị của bạn, bạn có thể kích hoạt Trợ lý của mình bằng một số cách. Ví dụ: bạn có thể nói “Ok Google” hoặc kích hoạt thủ công bằng cách giữ nút nguồn hoặc nút màn hình chính trên điện thoại.

Làm cách nào để biết Trợ lý Google đã được kích hoạt?

Dựa vào các chỉ báo trạng thái trên thiết bị, chẳng hạn như chỉ báo trên màn hình hoặc đèn LED nhấp nháy ở mặt trên thiết bị, bạn sẽ biết được Trợ lý Google đã được kích hoạt hay chưa.

Đôi khi Trợ lý Google vẫn kích hoạt dù tôi không định làm như vậy. Vì sao?

Trợ lý Google có thể kích hoạt ngoài chủ ý của bạn vì bị nhầm rằng bạn muốn trợ giúp, chẳng hạn khi có âm thanh nghe như “OK Google”, hoặc khi bạn vô tình kích hoạt theo cách thủ công. Chúng tôi không ngừng nỗ lực cải tiến hệ thống của mình để giảm thiểu tình trạng kích hoạt ngoài ý muốn.

Nếu việc kích hoạt ngoài ý muốn xảy ra trong khi chế độ Hoạt động trên web và ứng dụng đang bật, bạn có thể nói: “Ok Google, tôi không gọi bạn”. Khi đó, Trợ lý sẽ xoá những gì bạn vừa nói khỏi mục Hoạt động của tôi. Bạn cũng có thể xem lại và xoá các tương tác của bạn với Trợ lý trong trang Hoạt động của tôi bất cứ lúc nào. Nếu Trợ lý Google kích hoạt ngoài chủ ý của bạn trong khi chế độ Hoạt động trên web và ứng dụng đang tắt, thì các tương tác của bạn với Trợ lý sẽ không được lưu vào trang Hoạt động của tôi.

Để điều chỉnh cho Trợ lý Google phù hợp hơn với môi trường của bạn, bạn có thể điều chỉnh độ nhạy của Trợ lý đối với các cụm từ kích hoạt (như “Ok Google”) thông qua ứng dụng Google Home dành cho loa thông minh và màn hình thông minh.

Khi ở chế độ chờ, Trợ lý Google hoạt động như thế nào?

Trợ lý Google được thiết kế để đợi ở chế độ chờ cho đến khi phát hiện thấy cụm từ kích hoạt. Ở chế độ chờ, Trợ lý xử lý các đoạn âm thanh ngắn (vài giây) để phát hiện yêu cầu kích hoạt, chẳng hạn như khi bạn nói ”Ok Google”. Nếu Trợ lý không phát hiện yêu cầu kích hoạt, thì những đoạn âm thanh ngắn đó sẽ không được gửi tới Google hoặc lưu vào Google.

Khi Trợ lý Google phát hiện thấy một cụm từ kích hoạt, điều gì sẽ xảy ra?

Một khi phát hiện thấy cụm từ kích hoạt, Trợ lý sẽ thoát khỏi chế độ chờ (kể cả khi vô tình kích hoạt theo cách thủ công, hoặc khi có một âm thanh nào đó nghe giống như “Ok Google”). Sau đó, thiết bị của bạn sẽ ghi lại những gì nghe được rồi gửi bản ghi âm đến máy chủ của Google để thực hiện yêu cầu của bạn. Quá trình ghi âm có thể sẽ diễn ra trong một vài giây trước khi Trợ lý kích hoạt, mục đích là để nắm bắt toàn bộ yêu cầu của bạn.

Bạn luôn kiểm soát được việc các bản ghi âm gửi đến máy chủ của Google có được lưu vào Tài khoản Google của bạn hay không. Theo mặc định, chúng tôi không lưu các bản ghi âm của bạn. Bạn có thể kiểm tra chế độ cài đặt hiện tại của mình bằng cách xem ô đánh dấu “Kèm theo bản ghi âm thanh” trong chế độ cài đặt Hoạt động trên web và ứng dụng.

Thiết kế để bảo vệ quyền riêng tư

Theo mặc định, chúng tôi không giữ lại các bản ghi âm của bạn trong Trợ lý Google. Truy cập trang “Dữ liệu của bạn trong Trợ lý Google” để tìm hiểu thêm về cách dữ liệu của bạn giúp Trợ lý Google hỗ trợ bạn hiệu quả hơn.

Trợ lý Google sử dụng dữ liệu của tôi như thế nào?

Trợ lý sử dụng các câu lệnh của bạn và thông tin của thiết bị và dịch vụ được liên kết để có thể hiểu và trả lời các yêu cầu của bạn, đồng thời dùng những thông tin này để tạo ra trải nghiệm dành riêng cho bạn. Ví dụ về thông tin của các dịch vụ và thiết bị được liên kết: thông tin vị trí, danh bạ, tên thiết bị, việc cần làm, sự kiện, chuông báo, ứng dụng đã cài đặt và danh sách phát.   

Dữ liệu của bạn cũng được dùng để phát triển và cải thiện các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ học máy của Google, như đã giải thích trong Chính sách quyền riêng tư của Google. Để giúp đánh giá chất lượng và cải thiện Trợ lý, các nhân viên đánh giá sẽ đọc, chú thích và xử lý thông tin dạng văn bản trong các câu lệnh của bạn dành cho Trợ lý cũng như thông tin có liên quan. Đồng thời, trong quá trình này, chúng tôi cũng thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền riêng tư của bạn. Chẳng hạn như xoá bỏ mối liên kết giữa các câu lệnh của bạn với Tài khoản Google của bạn trước khi nhân viên đánh giá xem hoặc chú thích.  

Tìm hiểu thêm về cách Trợ lý Google xử lý dữ liệu của bạn. Truy cập Chính sách quyền riêng tư của Google để tìm hiểu thêm về cách Google bảo vệ và sử dụng dữ liệu của bạn.

Trợ lý Google có lưu lại bản ghi âm của tôi không?

Theo mặc định, các bản ghi âm không được lưu lại. Bạn có thể chọn lưu lại các bản ghi âm của mình bằng cách chọn “Kèm theo bản ghi âm thanh” trong chế độ cài đặt Hoạt động trên web và ứng dụng.

Việc lưu lại các bản ghi âm vào Tài khoản Google có lợi ích gì?

Nếu bạn muốn góp phần cải thiện công nghệ nhận dạng âm thanh của chúng tôi để mang lại lợi ích cho mọi người, bạn có thể chọn lưu giữ an toàn các bản ghi âm của mình và cung cấp các bản ghi âm đó cho hệ thống cải thiện công nghệ về lời nói của chúng tôi. Việc này giúp các sản phẩm như Trợ lý Google cải thiện khả năng hiểu ngôn ngữ trong tương lai. Tìm hiểu thêm về quy trình này.

Có ai khác ngoài tôi có thể nghe những bản ghi âm được lưu lại của tôi không?

Nếu bạn quyết định lưu các bản ghi âm của mình, chúng tôi có thể đánh giá một số phần trong những bản ghi âm đó để cải thiện công nghệ nhận dạng âm thanh của chúng tôi.

Ví dụ: Google có thể sử dụng các bản ghi âm trong quy trình đánh giá âm thanh. Trong quy trình này, một mẫu gồm những đoạn âm thanh do máy chọn sẽ được huỷ liên kết khỏi các Tài khoản Google tương ứng. Sau đó, những nhân viên đánh giá đã qua đào tạo sẽ phân tích phần âm thanh để thêm chú thích cho nội dung ghi âm cũng như kiểm tra xem công nghệ nhận dạng âm thanh của Google có hiểu đúng những từ được nói ra hay không. Quy trình này giúp các sản phẩm như Trợ lý Google cải thiện khả năng hiểu ngôn ngữ trong tương lai.

Chính phủ có thể nghe các bản ghi âm của tôi không?

Các cơ quan chính phủ ở khắp nơi trên thế giới thường yêu cầu Google cung cấp thông tin người dùng. Chúng tôi xem xét kỹ lưỡng từng yêu cầu để đảm bảo rằng yêu cầu đó đáp ứng các điều luật hiện hành. Nếu một cơ quan chính phủ yêu cầu quá nhiều thông tin, chúng tôi sẽ cố thu hẹp phạm vi cung cấp, và trong một số trường hợp, chúng tôi sẽ từ chối cung cấp bất kỳ thông tin nào. Trong Báo cáo minh bạch của mình, chúng tôi công bố số lượng và loại yêu cầu mà chúng tôi nhận được. Tìm hiểu thêm

Google có bán bản ghi âm hoặc những thông tin cá nhân khác của tôi không?

Google không bao giờ bán các bản ghi âm hoặc bất kỳ thông tin cá nhân nào của bạn.

Tìm hiểu thêm về cách Trợ lý Google bảo vệ quyền riêng tư của bạn.

Chế độ kiểm soát quyền riêng tư dễ sử dụng

Để kiểm soát những tương tác nào được lưu trữ, bạn chỉ cần nói những câu như “Ok Google, xoá những gì tôi nói tuần này”. Khi đó, Trợ lý Google sẽ xoá những tương tác đó khỏi trang “Hoạt động của tôi”.

Tôi có thể tìm các chế độ kiểm soát quyền riêng tư ở đâu?

Bạn chỉ cần hỏi Trợ lý Google những câu như “Tôi có thể thay đổi chế độ cài đặt quyền riêng tư ở đâu?” để xem câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp nhất về quyền riêng tư và bảo mật. Hoặc bạn cũng có thể truy cập trang “Dữ liệu của bạn trong Trợ lý” để truy cập trực tiếp vào các chế độ kiểm soát quyền riêng tư của mình bất cứ lúc nào.

Theo thông tin Google cung cấp, tôi có thể xoá các tương tác của tôi với Trợ lý khỏi trang Hoạt động của tôi. Quá trình xoá hoạt động như thế nào?

Bạn có thể xem xét và xoá các tương tác của mình với Trợ lý khỏi trang Hoạt động của tôi, hoặc bằng cách nói “Ok Google, xoá hết những gì tôi nói tuần này”. Bạn cũng có thể chuyển đến phần Cài đặt Trợ lý để xem các chế độ kiểm soát khác.

Tôi có thể thiết lập chế độ xoá tự động cho dữ liệu của mình không?

Có, bạn có thể thiết lập chế độ tự động xoá dữ liệu hoạt động khỏi mục Hoạt động của tôi. Hãy chọn khoảng thời gian tối đa mà bạn muốn lưu dữ liệu hoạt động của mình (3, 18, hoặc 36 tháng). Sau đó, mọi dữ liệu cũ hơn thời gian mà bạn chọn sẽ được tự động xoá khỏi trang Hoạt động của tôi.

Trợ lý Google sử dụng dữ liệu như thế nào để cá nhân hoá trải nghiệm của tôi?

Dữ liệu trong Tài khoản Google của bạn có thể giúp mang đến cho bạn trải nghiệm phù hợp hơn khi bạn dùng Trợ lý Google và làm cho Trợ lý trở nên hữu ích hơn với bạn.

Đối với một số câu hỏi, Trợ lý Google cần phải có dữ liệu của bạn thì mới có thể trợ giúp. Ví dụ như khi bạn hỏi "Sinh nhật của mẹ tôi là ngày nào?", Trợ lý cần xem danh bạ của bạn để biết "mẹ" của bạn là ai và tìm sinh nhật của bà. Hoặc nếu bạn hỏi "Ngày mai, tôi có cần mang theo ô không?" thì Trợ lý sẽ sử dụng vị trí hiện tại của bạn để đưa ra câu trả lời thích hợp nhất.

Trợ lý Google cũng dùng dữ liệu để chủ động đưa ra đề xuất cho bạn. Chẳng hạn như Trợ lý có thể báo cho bạn biết tuyến đường bạn hay đi đang đông xe bằng cách sử dụng vị trí của bạn.

Trợ lý Google có thể cải thiện các kết quả tìm được cho bạn bằng hoạt động trong Tài khoản Google của bạn. Ví dụ như khi bạn hỏi "Tối nay tôi nên nấu món gì?", Trợ lý có thể dùng những nội dung bạn đã tìm để đề xuất những công thức nấu ăn dành riêng cho bạn.

Bạn luôn có thể truy cập vào trang "Dữ liệu của bạn trong Trợ lý Google" để xem hoặc xóa dữ liệu của bạn, kiểm tra chế độ cài đặt hiện tại và tìm hiểu thêm về những chế độ kiểm soát hiện có.

Truy cập trang [Chính sách quyền riêng tư] của Google (https://policies.google.com/privacy) để tìm hiểu thêm về cách Google bảo vệ và sử dụng dữ liệu của bạn.

Tìm hiểu thêm về cách Trợ lý Google xử lý dữ liệu của bạn.

Tôi có thể kiểm soát việc Trợ lý Google cung cấp những kết quả dành riêng cho tôi không?

Có. Trợ lý Google tạo điều kiện để nhiều người dùng có thể dễ dàng điều chỉnh trải nghiệm cho phù hợp với mỗi người trên một thiết bị dùng chung. Để chỉ nhận kết quả cá nhân (chẳng hạn như đường đi làm hoặc đề xuất về công thức nấu ăn dành riêng cho mình) khi Trợ lý nhận ra giọng nói của bạn, hãy thiết lập tính năng Voice Match bằng cách làm theo các bước này. Người dùng Family Link cũng có thể nhận kết quả cá nhân từ Trợ lý Google bằng cách làm theo các bước này.

Đối với các thiết bị di động và thiết bị dùng chung như loa, bạn có thể kiểm soát việc nhận kết quả cá nhân bằng cách thay đổi chế độ cài đặt của mình. Và trên thiết bị di động, bạn có thể kiểm soát cách xuất hiện của kết quả cá nhân trên màn hình khoá.

Ok Google, cho tôi biết thông tin về Chế độ khách

Nhờ Chế độ khách của Trợ lý Google, bạn hiện có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với hoạt động của mình thông qua Trợ lý khi dùng các thiết bị trong nhà. Khi nói "Ok Google, bật Chế độ khách", bạn có thể bật Chế độ khách bất cứ khi nào bạn không muốn nội dung tương tác với Trợ lý được lưu vào Tài khoản Google của bạn hay được dùng để tạo trải nghiệm riêng cho bạn. Bạn có thể thoát Chế độ khách bất kỳ lúc nào để quay về chế độ dành riêng cho bạn. Bạn chỉ cần nói “Ok Google, tắt Chế độ khách”. Chế độ khách hiện có sẵn trên các sản phẩm loa và màn hình thông minh của Google bằng tất cả các ngôn ngữ được hỗ trợ.

Làm cách nào để bật Chế độ khách? Chế độ này có duy trì trạng thái bật cho đến khi tôi tắt đi hay không?

Để bật Chế độ khách, bạn chỉ cần nói “Ok Google, bật Chế độ khách” vào loa hoặc màn hình thông minh. Để quay lại sử dụng Trợ lý của riêng bạn, bạn chỉ cần nói “Ok Google, tắt Chế độ khách”. Thiết bị của bạn sẽ duy trì Chế độ khách cho đến khi bạn hoặc một người khác yêu cầu tắt chế độ này.

Làm cách nào để biết thiết bị của tôi có đang ở Chế độ khách hay không?

Khi bạn đang ở Chế độ khách, thiết bị của bạn sẽ phát ra một tiếng chuông đặc biệt. Trên các thiết bị màn hình thông minh, bạn cũng sẽ thấy một biểu tượng khách trên màn hình. Và nếu không chắc chắn, bạn luôn có thể hỏi. Bạn chỉ cần nói "Ok Google, Chế độ khách có đang bật không?"

Những người khác có thể bật hoặc tắt Chế độ khách trên thiết bị của tôi không?

Có. Những người tương tác với thiết bị của bạn đều có thể bật hoặc tắt Chế độ khách.

Trẻ em thì thế nào? Trẻ có thể bật hoặc tắt Chế độ khách không?

Những trẻ có tài khoản liên kết với Trợ lý Google sẽ không bật được Chế độ khách.

Nếu tôi bật Chế độ khách trên một thiết bị, chế độ này có được bật trên tất cả các thiết bị khác không?

Không. Việc bật Chế độ khách trên một thiết bị không làm chế độ này chuyển sang trạng thái bật trên nhiều thiết bị.

Những tính năng nào hoạt động khi tôi dùng Chế độ khách? Những tính năng nào không hoạt động?

Khi dùng Chế độ khách, bạn vẫn có thể sử dụng Trợ lý, chẳng hạn như đặt câu hỏi, kiểm soát các thiết bị thông minh trong nhà, hẹn giờ và phát nhạc. Tuy nhiên, những kết quả phù hợp với riêng bạn sẽ không được cung cấp cho đến khi bạn thoát khỏi Chế độ khách. Các kết quả này bao gồm những thông tin của bạn như lịch, danh sách mua sắm, những người liên hệ đã lưu và nhiều nội dung khác. Bạn luôn có thể nói “Ok Google, tắt Chế độ khách” để quay lại sử dụng chế độ dành riêng cho bạn.

Khi Chế độ khách đang bật, các ứng dụng khác có thể lưu lại hoạt động của tôi hay không?

Các hoạt động tương tác giữa bạn với Trợ lý, trong đó có tất cả các yêu cầu bằng giọng nói, sẽ không được lưu vào Tài khoản Google của bạn. Nếu bạn yêu cầu Trợ lý tương tác với một ứng dụng hoặc dịch vụ khác, chẳng hạn như nhà cung cấp nhạc hoặc một sản phẩm khác của Google, thì ứng dụng hoặc dịch vụ đó có thể vẫn lưu lại hoạt động của bạn trong ứng dụng đó.

Việc sử dụng Chế độ khách ảnh hưởng như thế nào đến trải nghiệm sử dụng Trợ lý Google sau này? Chẳng hạn như liệu tôi có xem được các đề xuất dành riêng cho mình dựa trên hoạt động trong Chế độ khách không?

Khi bạn sử dụng Chế độ khách, hoạt động của bạn trên Trợ lý Google sẽ không được lưu vào Tài khoản Google của bạn và sẽ không được dùng để cá nhân hóa trải nghiệm của bạn khi sử dụng Trợ lý. Chẳng hạn như khi bạn tìm các công thức nấu ăn trong Chế độ khách, Google sẽ không dùng những nội dung tìm kiếm đó để điều chỉnh các đề xuất về công thức nấu ăn cho bạn trong tương lai. Tuy nhiên, vì các sản phẩm khác vẫn có thể lưu hoạt động của bạn khi bạn sử dụng các sản phẩm đó trong Chế độ khách, nên hoạt động của bạn trên YouTube và Maps trong Chế độ khách vẫn có thể được dùng để đề xuất video và địa điểm cho bạn.

Nếu tôi đã chọn lưu lại các bản ghi âm của mình bằng Trợ lý, liệu các bản ghi âm đó có được lưu khi tôi đang sử dụng Chế độ khách hay không?

Kể cả khi các bản ghi âm và hoạt động của bạn thông qua Trợ lý trên thiết bị thường được lưu vào Tài khoản Google của bạn, những dữ liệu này sẽ không được lưu khi bạn dùng Chế độ khách.

Thiết kế cho gia đình

Trợ lý Google có nhiều tính năng để giúp gia đình bạn luôn có những phút giây giải trí và hoàn thành mọi công việc. Những công cụ như Family Link có thể giúp bạn quản lý cách gia đình tương tác với Trợ lý.

Trợ lý Google cung cấp nội dung phù hợp với gia đình bằng cách nào?

Trợ lý Google có nhiều tính năng thú vị, từ kể chuyện, trò chơi cho đến công cụ học tập dành cho trẻ em và gia đình, trong đó có một số nội dung do các nhà phát triển bên thứ ba cung cấp. Những nhà phát triển này bắt buộc phải đáp ứng đủ điều kiện phát hành nội dung dành cho gia đình trên Trợ lý Google. Cụ thể, họ phải có một ứng dụng có huy hiệu Giáo viên đã phê duyệt, hoặc ký thỏa thuận hợp tác với Google về Hành động phù hợp với gia đình. Mọi Hành động dành cho trẻ em do nhà phát triển bên thứ ba cung cấp đều phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể của chương trình Hành động dành cho gia đình và tuân thủ các chính sách chung của chúng tôi về Hành động. Chúng tôi xem xét các Hành động này để đảm bảo các Hành động này tuân thủ chính sách và yêu cầu của chúng tôi trước khi cung cấp rộng rãi trên Trợ lý Google.

Làm cách nào để quản lý nội dung mà các thành viên trong gia đình sử dụng qua Trợ lý Google?

Bạn có thể thiết lập các chế độ kiểm soát nội dung cho những thiết bị dùng chung tại nhà, chẳng hạn như màn hình thông minh, bằng các chế độ kiểm soát của bộ công cụ Digital Wellbeing trong ứng dụng Google Home. Thông qua những chế độ cài đặt này, bạn có thể quản lý thời gian tắt thiết bị, các chế độ lọc nội dung và hạn chế một số hoạt động như gọi điện thoại. Bạn cũng có thể quyết định việc áp dụng những chế độ cài đặt này cho tài khoản khách và tài khoản được giám sát mà bạn quản lý bằng Family Link hay tất cả người dùng của thiết bị đó.

Bạn có thể đặt giới hạn cho từng trẻ bằng tính năng quyền kiểm soát của cha mẹ trong Family Link. Trên các thiết bị dùng chung, bạn có thể liên kết tài khoản của con với thiết bị bằng tính năng Voice Match để Trợ lý có thể nhận ra giọng nói của trẻ. Sau khi được đăng ký, con bạn sẽ chỉ có thể sử dụng những Hành động không phải của Google có nhãn là "Dành cho gia đình" và không được làm một số việc như mua hàng qua Trợ lý. Những giới hạn này áp dụng cho mọi thiết bị có Trợ lý mà trẻ được đăng ký. Để biết thêm thông tin về cách tài khoản Family Link hoạt động với Google Home và Trợ lý, vui lòng xem bài viết trên trung tâm trợ giúp của Google cho Gia đình.

Trợ lý Google bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em bằng cách nào?

Google không chia sẻ thông tin cá nhân, chẳng hạn như tên, địa chỉ email, bản ghi âm giọng nói hoặc vị trí cụ thể của con bạn, với các nhà cung cấp dịch vụ trong chương trình Hành động dành cho gia đình. Những nhà cung cấp dịch vụ này cũng đồng ý không yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân trong các cuộc trò chuyện qua Trợ lý Google. Chúng tôi sẽ xử lý nếu phát hiện bất kỳ Hành động nào vi phạm các chính sách này.

Trợ lý Google có lưu bản ghi âm thanh từ các tính năng dành cho trẻ em không?

Chúng tôi không lưu bản ghi âm từ những lần người dùng tương tác với các tính năng dành cho trẻ em, chẳng hạn như các hoạt động thuộc chương trình Hành động dành cho gia đình hoặc video trên YouTube Kids, trừ phi chúng tôi được phép làm như vậy đối với một Tài khoản Google được quản lý bằng Family Link và đã chọn lưu bản ghi âm trong chế độ cài đặt. Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem Thông báo về quyền riêng tư của chúng tôi.

Tôi có thể xóa dữ liệu hoạt động của con mình trong Trợ lý Google không?

Có. Bạn có thể truy cập, xuất dữ liệu và xóa hoạt động được lưu của con mình bằng cách đăng nhập vào tài khoản của con bạn mà bạn quản lý bằng Family Link. Bạn cũng có thể quản lý chế độ cài đặt hoạt động của con qua ứng dụng Family Link hoặc bằng cách truy cập vào trang families.google.com rồi chọn hồ sơ của trẻ. Để biết thêm chi tiết, vui lòng truy cập g.co/childaccounthelp.

Trợ lý Google
Tìm hiểu thêm
về Trợ lý Google.
Tìm hiểu cách chúng tôi tích hợp các biện pháp bảo vệ
trong từng sản phẩm của Google.