Cách luôn mang theo dữ liệu bên mình

Bạn muốn tải dữ liệu cá nhân xuống máy tính hoặc chuyển dữ liệu đó sang một nhà cung cấp dịch vụ khác? Google Takeout có thể giúp bạn làm cả hai việc này – hai nhân viên của Google là Stephan Micklitz và Greg Fair giải thích.

Thưa ông Micklitz và ông Fair, là những người phụ trách sản phẩm Google Takeout, ông có thể chia sẻ chính xác thì mục đích của sản phẩm này là gì?

Stephan Micklitz, Giám đốc kỹ thuật của nhóm Quyền riêng tư và bảo mật của Google: Google Takeout cho phép bạn làm những việc như tải ảnh, danh bạ, email, nội dung trên lịch hoặc tệp âm nhạc lưu trên Google Drive xuống máy tính hoặc chuyển chúng sang một nhà cung cấp dịch vụ khác.

Greg Fair, Giám đốc quản lý sản phẩm của Google Takeout: Chúng tôi có hai con. Như hầu hết các bậc cha mẹ, tôi và vợ có rất nhiều ảnh chụp các con, chính xác là 600 Gigabyte ảnh. Lúc ổ đĩa cứng chứa tất cả những bức ảnh này gặp sự cố, tôi cảm thấy rất mừng vì mình đã lưu ảnh ở chất lượng gốc trên Google Photos. Sau đó, tôi có thể chỉ cần dùng Google Takeout để tải ảnh xuống một ổ đĩa cứng mới.

Greg Fair
Điện thoại thông minh

Greg Fair là giám đốc quản lý sản phẩm của Google, phụ trách Google Takeout. Sản phẩm này không chỉ giúp người dùng tải dữ liệu xuống từ Google mà còn hỗ trợ họ chuyển dữ liệu đó sang các nhà cung cấp khác.

Mọi người dùng Takeout để làm gì?

Ông Fair: Chủ yếu là để sao lưu tất cả dữ liệu mà họ lưu trữ trên Google Drive.

Ông Micklitz: Như vậy thành ra hơi phi lý, vì thực ra dữ liệu lưu trên Google Drive an toàn hơn rất nhiều so với khi lưu trên hầu hết thiết bị lưu trữ gia dụng.

Ông Fair: Có thể có những sự cố xảy ra ảnh hưởng đến ổ cứng. Còn tại Google, mỗi tệp đều được lưu trữ nhiều lần trên nhiều máy chủ, nhờ vậy nên rất an toàn.

Nhưng ông vẫn sao lưu dữ liệu vào ổ đĩa cứng?

Ông Fair: Là vì vợ tôi dùng các chương trình chỉnh sửa ảnh nên việc lưu trữ ảnh trên đám mây không phải là cách làm thiết thực.

"Tại Google, mỗi tệp đều được lưu trữ nhiều lần trên nhiều máy chủ, nhờ vậy nên rất an toàn."

Greg Fair

Tôi hiểu.

Ông Micklitz: Tôi thì không dùng các phần mềm đó, nhưng tôi vẫn lưu bản sao dự phòng của tất cả hình ảnh của mình trên một ổ đĩa cứng. Vì đó là dữ liệu của tôi nên tôi muốn có một bản cứng.

Vì sao ông lại làm chuyện "phi lý" này?

Ông Micklitz: Chúng ta có những cảm xúc vô cùng riêng tư và sâu đậm với những bức ảnh. Chúng gợi lên rất nhiều kỷ niệm. Là người dùng, tôi không muốn rơi vào thế bị phụ thuộc vào một công ty duy nhất trong việc bảo vệ những bức ảnh của mình, cho dù đó có là công ty mà tôi phục vụ đi chăng nữa. Vậy nên, các dịch vụ hỗ trợ di chuyển dữ liệu như Google Takeout có vai trò rất quan trọng, vì các dịch vụ đó giúp người dùng lấy lại dữ liệu bất cứ lúc nào, kể cả khi dữ liệu được lưu trữ trên đám mây.

Google bắt đầu chú trọng đến khả năng di chuyển dữ liệu từ khi nào?

Ông Fair: Đã được hơn mười năm rồi. Chúng tôi bắt đầu bằng việc phát triển các dịch vụ riêng lẻ hỗ trợ việc di chuyển dữ liệu. Sau đó, vào năm 2011, Google triển khai giải pháp tập trung là Takeout. Từ đó, chúng tôi ngày càng tích hợp nhiều dịch vụ của Google hơn. Hiện nay, Takeout hỗ trợ hơn 40 dịch vụ của Google.

Nhiều người dùng tải dữ liệu của họ xuống máy tính, nhưng hiếm khi chuyển dữ liệu đó sang các dịch vụ khác. Vì sao lại có tình trạng mất cân bằng này?

Ông Fair: Hiện nay, người dùng có thể chuyển dữ liệu từ Google sang Dropbox, Box hoặc Microsoft Office 365, và dĩ nhiên là có thể làm ngược lại. Nhiều đối thủ cạnh tranh của chúng tôi hiện chưa hỗ trợ tính năng này. Để thay đổi tình hình đó, chúng tôi triển khai Data Transfer Project (Dự án chuyển dữ liệu) hồi năm 2017 và chính thức thông báo dự án này vào tháng 7 năm 2018. Đây là một dự án nguồn mở cung cấp cho các công ty những đoạn mã miễn phí cho tính năng di chuyển dữ liệu, qua đó giúp quá trình chuyển dữ liệu từ dịch vụ này sang dịch vụ khác diễn ra suôn sẻ.

Ông Micklitz: Giả sử một công ty khởi nghiệp nào đó phát triển một dịch vụ mới rất hữu ích. Đối với một công ty nhỏ, việc tự làm ra giải pháp hỗ trợ di chuyển dữ liệu sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Thay vì vậy, công ty đó có thể truy cập Data Transfer Project để chuyển các đoạn mã tương ứng vào phần mềm của mình.

Giám đốc kỹ thuật Stephan Micklitz (bên phải) phụ trách lĩnh vực bảo mật và quyền riêng tư toàn cầu tại Google. Ông học ngành khoa học máy tính tại Đại học Kỹ thuật Munich và làm việc tại văn phòng của Google ở Munich từ cuối năm 2007.

Nhưng Google được lợi gì khi tôi chuyển sang một nhà cung cấp dịch vụ khác?

Ông Fair: Chúng tôi muốn bạn dùng các dịch vụ của Google vì chất lượng của các dịch vụ đó là tốt nhất, chứ không phải vì bạn không thể sử dụng dữ liệu của bạn ở những nơi khác.

Trong Quy định chung về bảo vệ dữ liệu – bộ quy định bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5 năm 2018 – có một số điều khoản về khả năng di chuyển dữ liệu. Các ông có phải điều chỉnh công cụ tải dữ liệu mà mình cung cấp để tuân thủ các quy định này không?

Ông Fair: Khi đọc quy định này hồi năm 2016, chúng tôi nhận thấy mình đã tuân thủ khá tốt các điều khoản về khả năng di chuyển dữ liệu. Trước cả thời điểm đó khá lâu, chúng tôi đã luôn nỗ lực xử lý vấn đề này.

Ông Micklitz: Chúng tôi cho rằng việc chủ đề này cuối cùng cũng thu hút được sự chú ý mà nó đáng ra phải có chính là một tín hiệu tốt. Hiện tại, khả năng di chuyển dữ liệu vẫn là một chủ đề chưa phổ biến, không được nhiều người dùng quan tâm. Nhưng chúng tôi tin là vài năm nữa tình hình này sẽ thay đổi.

"Con tôi cũng phải có được những bức ảnh chụp hồi còn nhỏ, giống như tôi vậy."

Stephan Micklitz

Vì sao?

Ông Micklitz: Mọi người chỉ mới bắt đầu lưu trữ dữ liệu trên đám mây. Giả sử dữ liệu của bạn đang được lưu trữ trên máy chủ của một công ty và công ty đó gặp vấn đề. Lúc đó, bạn cần biết chắc là mình có thể lấy lại dữ liệu. Chuyện này còn liên quan đến vấn đề độ bền của dữ liệu. Con tôi cũng phải có được những bức ảnh chụp hồi còn nhỏ, giống như việc tôi có thể xem lại những bức ảnh đã ố vàng của cha mẹ mình.

Ông có mong ảnh kỹ thuật số sẽ có được độ bền tương tự như ảnh phim không?

Ông Micklitz: Có chứ. Đây cũng là một khía cạnh của việc bảo vệ dữ liệu hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là những dữ liệu tôi lưu trữ hiện nay vẫn sẽ dùng được sau 50 năm nữa.

Ảnh: Conny Mirbach

Những tiến bộ về an ninh mạng

Tìm hiểu cách chúng tôi bảo vệ an toàn cho nhiều người trên mạng hơn mọi cá nhân và tổ chức khác trên toàn thế giới.

Tìm hiểu thêm