Một trung tâm kiểm soát toàn diện: Tài khoản Google
Stephan Micklitz và Jan Hannemann đã dành nhiều năm để phát triển những công cụ cho phép người dùng quyết định những dữ liệu họ sẵn sàng chia sẻ với Google và những dữ liệu mà họ muốn giữ bí mật
Khi Stephan Micklitz nói với mọi người là ông làm việc tại Google, người ta thường hỏi ông "sao công ty ông cần nhiều dữ liệu thế?" và câu trả lời của ông là: "Dữ liệu có thể giúp các sản phẩm của Google trở nên hữu ích hơn cho mọi người, chẳng hạn như cung cấp kết quả tìm kiếm ở đúng ngôn ngữ hoặc đề xuất tuyến đường nhanh nhất để về nhà. Nhưng tôi lúc nào cũng nói rõ là các bạn có thể chọn cách Google lưu trữ dữ liệu của mình, cũng như quyết định việc chúng tôi có dùng dữ liệu đó để điều chỉnh các sản phẩm của chúng tôi cho phù hợp với các bạn không. Mọi người thường muốn tận mắt chứng kiến trước khi tin những gì tôi nói."
"Chúng tôi muốn điều chỉnh để dịch vụ này phù hợp với từng cá nhân và thiết kế để bố cục rõ ràng hơn."
Jan Hannemann
Ông Micklitz làm việc tại Google từ năm 2007. Ông là một trong những thành viên đầu tiên ở Munich và đã nhanh chóng đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực liên quan đến quyền riêng tư đối với dữ liệu và bảo mật trực tuyến. Từ năm 2010, ông Micklitz đã lãnh đạo các hoạt động phát triển trên toàn cầu đối với một số sản phẩm rất quan trọng của Google nhằm nâng cao khả năng bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư trên intertnet. Ông tin rằng quyết định của Google về việc đặt trụ sở của bộ phận này tại Đức vào năm 2008 là một bước đi thông minh. Ông Micklitz nhớ lại: "Google muốn có mặt ở nơi mà quyền riêng tư là chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất".
Từ lúc đó, rất nhiều chuyện đã xảy ra. Sự kiện quan trọng nhất là từ ngày 25 tháng 5 năm 2018, Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh Châu Âu bắt đầu có hiệu lực. GDPR điều chỉnh việc sử dụng và lưu trữ dữ liệu cá nhân. Ông Micklitz nhớ lại khoảnh khắc vào năm 2016, khi ông cùng các đồng nghiệp của mình lần đầu tiên đọc nội dung của bộ luật này. Ông chia sẻ: "Rõ ràng nhiều công cụ và chế độ kiểm soát mà chúng tôi xây dựng đã tuân thủ GDPR, nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm". Lúc này đây, ông dẫn tôi đến phòng hội nghị nơi ông sẽ gặp người đồng nghiệp Jan Hannemann.
Google ra mắt công cụ bảo vệ quyền riêng tư đầu tiên là Trang tổng quan Google hồi năm 2009. Ông Micklitz và đội ngũ của mình đảm nhận trách nhiệm phát triển công cụ này. Qua nhiều năm, một số chức năng bổ sung được thêm vào. Từ năm 2013, người dùng đã có thể quản lý dữ liệu kỹ thuật số của mình trong Google nhờ Trình quản lý tài khoản không hoạt động; năm 2014, tính năng Kiểm tra bảo mật được thêm vào, sau đó là tính năng Kiểm tra quyền riêng tư được bổ sung vào năm 2015. Các công cụ mới này hướng dẫn người dùng từng bước cài đặt chế độ bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư đối với dữ liệu của họ.
Năm 2015, tính năng Tài khoản của tôi ra mắt, đưa tất cả dịch vụ của Google về một mối. Người dùng lần đầu tiên có được một trung tâm kiểm soát toàn diện – nơi họ có thể xem những dữ liệu cá nhân mà Google đang lưu trữ, tự quyết định những thông tin họ muốn xoá, cũng như tắt những chức năng lưu dữ liệu và theo dõi hoạt động trực tuyến. Người dùng cũng có thể chọn không nhận quảng cáo được cá nhân hoá. Tính năng Tài khoản của tôi đã liên tục được mở rộng và cải thiện kể từ khi ra mắt.
"Điều quan trọng đối với chúng tôi là mỗi người dùng đều có thể lựa chọn những thông tin Google được phép lưu giữ."
Stephan Micklitz
Tháng 6 năm 2018, dịch vụ này được cải tiến và Tài khoản của tôi trở thành Tài khoản Google. Cùng với Stephan Micklitz, nhà quản lý sản phẩm Jan Hannemann đảm nhận trách nhiệm cho lần tái ra mắt này. Ông Hannemann có bằng tiến sĩ khoa học máy tính và làm việc tại văn phòng của Google ở Munich từ năm 2013. Ông đã hỗ trợ phát triển dịch vụ Tài khoản của tôi và đảm nhận trách nhiệm xây dựng Tài khoản Google cho đến hiện nay. Đồng nghiệp thậm chí còn gọi ông là "Ngài Tài khoản Google".
Ông Hannemann giải thích thiết kế mới của Tài khoản Google bằng điện thoại thông minh. "Chúng tôi muốn điều chỉnh để dịch vụ này phù hợp với từng cá nhân và thiết kế để bố cục rõ ràng hơn, nhất là khi dùng trên những thiết bị di động có màn hình nhỏ." Ông Stephan Micklitz nhấc chiếc điện thoại thông minh của mình lên và mở một ứng dụng. "Ví dụ như khi tôi dùng ứng dụng này, phần mềm sẽ đề xuất tôi tiến hành Kiểm tra bảo mật", ông giải thích. "Tại đây, tôi có thể ngay lập tức biết được Google có đề xuất gì giúp tôi tăng cường bảo mật Tài khoản Google của mình hay không."
Ông Micklitz và ông Hannemann phát triển sản phẩm phần lớn dựa trên các cuộc khảo sát của Google về cách mọi người trên thế giới sử dụng các dịch vụ riêng lẻ và thái độ chung của họ. "Người Châu Âu, nhất là người Đức, thường nghi ngại việc sử dụng dữ liệu cá nhân nhiều hơn so với người Mỹ", ông Hannemann chia sẻ. "Chuyện đó đương nhiên là có liên quan đến lịch sử của chúng tôi." Một số người dùng không phản đối việc dữ liệu của họ được lưu trữ. "Một số người thấy việc điện thoại thông minh nhắc họ khi đến giờ ra sân bay là rất thiết thực", ông Hannemann cho biết. "Một số người khác thì đánh giá cao tính năng tự động hoàn thành, một tính năng giúp công cụ tìm kiếm gợi ý phần còn lại của một cụm từ tìm kiếm. Các tính năng này và nhiều tính năng khác chỉ hoạt động được khi người dùng cho phép chúng tôi dùng dữ liệu của họ để điều chỉnh sản phẩm của chúng tôi cho phù hợp với họ."
Theo Stephan Micklitz, đối với vấn đề quyền riêng tư, không thể có một giải pháp chung và duy nhất. Một phần là vì mỗi người là một cá nhân và nhu cầu của người dùng thay đổi theo thời gian. "Điều quan trọng đối với chúng tôi là mỗi người dùng đều có thể lựa chọn những thông tin Google được phép lưu giữ. Chúng tôi không ngừng cải tiến các công cụ của mình để có thể thực hiện việc đó."
Ảnh: Conny Mirbach
Những tiến bộ về an ninh mạng
Tìm hiểu cách chúng tôi bảo vệ an toàn cho nhiều người trên mạng hơn mọi cá nhân và tổ chức khác trên toàn thế giới.
Tìm hiểu thêm