Không gian của riêng bạn trên Chrome
Ứng dụng thực tế từ người dùng đã tạo nên cảm hứng cải tiến trình duyệt Chrome như thế nào. Sabine Borsay và David Roger, làm việc ở Trung tâm Kỹ thuật Bảo đảm An toàn của Google, chia sẻ về nỗ lực hợp tác phát triển tính năng hồ sơ Chrome mới ra mắt.
David Roger, Kỹ sư Phát triển Phần mềm của Google tại Paris, cho biết: “Cả nhà tôi sử dụng trình duyệt Chrome trên máy tính chung của gia đình được một thời gian rồi. Có lúc chúng tôi mở tận 50 trang web cùng một lúc. Một ví dụ là lúc tôi muốn tìm lại một video mới xem trên YouTube thì trong nhật ký tìm kiếm lại có các đoạn video về trò chơi Minecraft – thực sự rất lộn xộn”. David có lẽ không phải là người dùng duy nhất gặp phải vấn đề này. Nhiều gia đình cũng dùng chung máy tính và trình duyệt Chrome. Đặc biệt là trong giai đoạn bùng phát đại dịch do vi-rút corona. Phụ huynh, người chăm sóc và trẻ con đều đọc, nghiên cứu, rồi tìm nội dung giải trí cùng lúc. Khi bị mất các chế độ cài đặt của riêng mình hoặc khi nhật ký tìm kiếm trở nên lộn xộn, thì người dùng dễ cảm thấy bối rối.
"Ý tưởng mới thường đến từ những người dùng đã quen thuộc với sản phẩm"
David Roger, Chuyên viên Lập trình phần mềm.
Sabine Borsay hoàn toàn đồng cảm với chia sẻ của David Roger. Cô là Nhà quản lý sản phẩm tại Trung tâm kỹ thuật bảo đảm an toàn của Google (GSEC) – trung tâm phát triển toàn cầu tại Munich của Google về quyền riêng tư và sự an toàn trên Internet. Cô cũng trình bày vấn đề này tại sự kiện Ngày Công nghệ của GSEC – một sự kiện được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nhóm liên chức năng cùng hợp sức giải quyết nhiều thử thách thú vị. Ý tưởng tạo hồ sơ Chrome cá nhân ra đời tại sự kiện này. Tính năng này hiện đã có mặt trên Chrome, giúp mọi người dùng tạo và tuỳ chỉnh hồ sơ cho riêng mình, đồng thời họ có thể lựa chọn hồ sơ mỗi khi mở trình duyệt. Ví dụ, bạn có thể thay đổi màu nền hay sắp xếp và lưu trữ dấu trang và mật khẩu theo cách riêng.
Nếu tìm hiểu sâu hơn về quá trình phát triển hồ sơ Chrome, từ ý tưởng ban đầu tới bước triển khai cuối cùng, ta sẽ thấy quá trình này rất thú vị. Hằng ngày, các Quản lý sản phẩm như Sabine Borsay xử lý một ứng dụng duy nhất, chẳng hạn như trình duyệt Chrome. “Chúng tôi xem xét lộ trình phát triển của Chrome trong vài năm tới. Chúng tôi cũng cân nhắc những loại vấn đề cần giải quyết và cách thức tích hợp giải pháp ra sao”, Sabine chia sẻ. “Phần lớn công việc của chúng tôi xoay quanh những điều chúng tôi gặp phải trong đời sống của chính mình”, David Roger bổ sung. “Ở Google có rất nhiều dự án có xuất phát điểm như vậy và ý tưởng mới thường đến từ những người dùng đã quen thuộc với sản phẩm.”
Sau khi Sabine nhận được phê duyệt cho việc triển khai phát triển hồ sơ Chrome, cô đã thành lập một nhóm gồm 10 thành viên ở nhiều phòng ban, bao gồm cả các chuyên gia về trải nghiệm người dùng và nhà phát triển trong nhóm của David Roger. David đã phát triển Chrome được hơn 10 năm và tham gia vào nhiều dự án, bao gồm cả dự án thiết kế giao diện người dùng. Nhóm của anh xây dựng một nguyên mẫu hồ sơ trên Chrome, nguyên mẫu này đã được thử nghiệm bởi một nhóm người dùng được tuyển chọn đặc biệt
Trong lúc đó, Sabine hợp tác với các chuyên gia nghiên cứu về người dùng để xác định ra ba nhóm người dùng: nhóm dùng Chrome một mình, nhóm dùng Chrome tại nơi làm việc và nhóm dùng chung Chrome với người khác. “Ngoài việc trực tiếp phỏng vấn người dùng về trải nghiệm của họ, chúng tôi cũng đề nghị người dùng ghi nhật ký về cách họ sử dụng hồ sơ Chrome trong vòng 2 tháng”. Nhóm phát triển hồ sơ cũng đề nghị người dùng mô tả những gì xảy ra khi họ gặp phải những phần khó hiểu trong ứng dụng.
“Chúng tôi xem xét lộ trình phát triển của Chrome trong vài năm tới.”
Sabine Borsay – Quản lý sản phẩm của Google
Tại Paris, David phân tích dữ liệu của người dùng Chrome Beta. Người dùng Chrome Beta có thể dùng thử các tính năng mới trước người dùng thông thường và gửi dữ liệu sử dụng cho Google để giúp Google phát triển sản phẩm. Thông tin thu thập được từ hàng trăm nghìn người dùng Chrome Beta đã hỗ trợ quá trình phát triển hồ sơ Chrome. Ví dụ: một số người dùng thấy khó nhấp vào một nút nào đó, một số người thì lại thấy văn bản giải thích còn khó hiểu. David giải thích rằng, Google có thể căn cứ vào những phản hồi như vậy để thay đổi và cải tiến. Phương thức lặp lại nhiều lần này thường được áp dụng khi phát triển các sản phẩm kỹ thuật số. Người dùng được sử dụng thử một nguyên mẫu và phản hồi về những vấn đề có thể xảy ra. Sau đó, nhà phát triển sẽ chỉnh sửa sản phẩm rồi gửi đi thử nghiệm lại.
Quá trình thử nghiệm phát hiện thấy những vấn đề nhất định, chẳng hạn như tình trạng Chrome khởi động chậm. Từ đó, David tập hợp các nhà phát triển của mình để tổ chức sự kiện hackathon. “Chúng tôi dồn toàn bộ nguồn lực trong vòng một tuần để tăng tốc độ khởi động của trình duyệt”. Nhóm đã xem xét nhiều phương thức khả thi. “Cuối cùng, chúng tôi xác định được một vài công nghệ phù hợp rồi trình bày với đồng nghiệp ở Munich”, David chia sẻ thêm.
Sabine có nhiều kỷ niệm đẹp về giai đoạn này của dự án. “Vào những thời điểm như vậy, chúng tôi làm việc như một doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Chúng tôi thử rất nhiều cách làm, trò chuyện với nhau hằng ngày và hướng đến giải pháp tốt nhất”. Tính năng sử dụng nhiều hồ sơ trên Chrome đã ra mắt nhưng nhóm của Sabine Borsay và David vẫn chưa được nghỉ ngơi. Họ vẫn tiếp tục phát triển sản phẩm dựa trên ý kiến phản hồi và gợi ý về cách cải tiến sản phẩm, bao gồm cả những góp ý của gia đình David nữa (tất nhiên là giờ đây mỗi thành viên trong gia đình David đều có một hồ sơ Chrome riêng rồi).
Ảnh: Stephanie Füssenich (4), Florian Generotzky (3).
Những tiến bộ về an ninh mạng
Tìm hiểu cách chúng tôi bảo vệ an toàn cho nhiều người trên mạng hơn mọi cá nhân và tổ chức khác trên toàn thế giới.
Tìm hiểu thêm